Bảo Hà – Ngôi đền thiêng thờ “Thần vệ quốc” vùng biên ải
Đền Bảo Hà từ lâu được biết đến là Di tích lịch sử – văn hóa nổi tiếng của tỉnh Lào Cai |
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, đền Bảo Hà là Khu di tích lịch sử – văn hóa quốc gia đã được Nhà nước xếp hạng vào tháng 11/1997, nằm cách thành phố Lào Cai khoảng 60km về hướng Nam, cách Hà Nội khoảng 220km về phía Tây Bắc.
Về không gian tọa lạc, ngôi đền ẩn mình giữa điệp trùng núi non hùng vĩ án ngữ là sông Hồng cuộn chảy đầy thơ mộng. Những buổi sương sớm đặc thù vùng cao, khi mặt trời lên, đền Bảo Hà sẽ dần hiện ra trước mắt du khách trong phảng phất khói nhang huyền ảo.
Còn theo các nguồn sử liệu (trong đó có Lịch sử Đảng bộ huyện Bảo Yên 1930 -1954) do UBND huyện Bảo Yên cùng một số cơ quan chuyên môn cung cấp thì: Vùng Bảo Hà xưa kia vốn có một vị trí quan trọng về phòng thủ biên giới, là cửa trạm của phòng tuyến sông Hồng phía Tây Bắc.
Từ đời nhà Trần đã đặt hai cửa trấn ải là cửa quan Bảo Thắng và Bảo Hà, trong đó Bảo Hà là hậu cứ của Bảo Thắng. Tại đây có đài hỏa hiệu, trạm liên lạc thông tin cho các châu huyện vùng thấp hơn.
Giữa niên hiệu Cảnh Hưng, Bảo Hà là trung tâm châu Văn Bàn. Trong thời Cảnh Hưng (1740-1786), giặc phương Bắc thường hay tràn sang quấy nhiễu, cướp bóc dân lành, xã Khấu Bàn, châu Văn Bàn cùng nhiều châu, xã lân cận đã phải xây dựng các thành luỹ kiên cố chống giặc.
Chân dung danh tướng Nguyễn Hoàng Bẩy được thờ phụng trong đền Bảo Hà |
Trước cảnh đau thương tang tóc, lại có nguy cơ bị xâm lược, tướng Nguyễn Hoàng Bẩy được triều đình giao trọng trách khởi binh dẹp loạn vùng biên ải. Đội quân của ông tiến dọc sông Hồng đánh đuổi quân giặc, giải phóng Châu Văn Bàn và củng cố xây dựng Bảo Hà thành căn cứ lớn. Tại đây, danh tướng đã tổ chức cho các thổ ty, tù trưởng luyện tập binh sỹ… Sau đó thống lĩnh quân thủy và quân bộ tiến đánh giặc ở Lào Cai, giải phóng các châu thuộc phủ Quy Hóa (Yên Bái, Lào Cai ngày nay).
Sau này quân giặc phương Bắc do tên tướng Tả Tủ Vàng Pẹt đưa quân sang xâm lược bờ cõi, danh tướng Hoàng Bảy lại dẫn quân lên tham chiến. Song, trong một trận chiến không cân sức, ông đã anh dũng hy sinh. Giặc vứt xác ông xuống sông Hồng, và trôi đến Bảo Hà. Nhân dân trong vùng do ông Lư Văn Cù đứng ra tổ chức vớt xác ông lên chôn cất và lập miếu thờ.
Theo truyền thuyết và lời kể của một số cao niên ở vùng Bảo Hà còn lưu truyền, có một điều kỳ lạ khi ông Hoàng Bảy bị giặc sát hại, thì trời bỗng chuyển gió, mây vần vũ, kết lại thành hình thần mã. Từ thi thể ông phát ra ánh hào quang, phi lên thân ngựa, đến khu vực núi Cấm, vùng trung tâm Bảo Hà thì dừng lại, trời bỗng quang đãng, mây ngũ sắc kết thành hình tứ linh chầu hội. Sau này, khi hiển linh ông được giao quyền trấn giữ đất Lào Cai, ngự trong đền Bảo Hà…
Đền Bảo Hà là Di tích Lịch sử – Văn hóa quốc gia đã được Nhà nước xếp hạng vào tháng 11/1997 |
Để ghi nhớ công lao của ông, các vua triều Nguyễn như Minh Mệnh, Thiệu Trị đã ban sắc phong tặng ông danh hiệu “Trấn an hiển liệt” và đền thờ ông cũng được các vua triều Nguyễn cấp sắc phong là “Thần vệ quốc”. Còn đồng bào các dân tộc Kinh, Tày, Dao… thì tôn thờ ông là vị nhân thần. Ông đi vào cõi tâm linh các dân tộc và hiện thân trong các lễ hội xuống đồng vào ngày Thìn tháng Giêng…
Không chỉ có giá trị về ý nghĩa lịch sử, tâm linh, cho đến nay kiến trúc nguyên thủy của đền vẫn được giữ lại gần như toàn bộ, nó thể hiện sự uy nghi và trang nghiêm nhưng không quá cầu kỳ, gồm: cổng tam quan, sân đền, nhà khách, phủ chúa Sơn Trang, Tòa đại bái, Cung cấm, Cung nhị, Cung cộng đồng. Trong các cung thờ chính của đền có các pho tượng: Đức Thánh Trần, Đức Vua Cha, Quan Tuần Tranh, ông Hoàng Bảy, ông Hoàng Đông, quan Bơ phủ, Mẫu Nhị, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thủy Tiên, Thiên Phúc Thiên Nhãn.
Đền Bảo Hà có rất nhiều ngày lễ hội, trong đó những ngày lễ chính là: Lễ thượng nguyên (Rằm tháng Giêng), lễ tiệc quan tuần tranh (25/5 Âm lịch), lễ hội ngày giỗ ông Hoàng Bảy (17/7 Âm lịch), lễ Tết muộn (Tết tất niên).
Đồng chí Nguyễn Văn Quyền, Phó Trưởng Ban quản lý Khu di tích đền Bảo Hà cho biết: Nhiều năm qua, đền là điểm đến thu hút du khách thập phương đông nhất của huyện Bảo Yên. Thông thường những năm trước, khi chưa bị dịch COVID-19, chỉ tính từ sau ngày mồng 1 Tết Nguyên đán hàng năm trở đi, mỗi ngày đền đón hàng chục nghìn lượt khách đến tế lễ, tham quan, và rằm tháng Giêng là thời gian cao điểm thu hút khách đến thăm và lễ đền.
“Vào ngày 17/7 Âm lịch hàng năm, Ban Quản lý Khu di tích và chính quyền địa phương cùng nhân dân lại long trọng tổ chức Lễ giỗ Đức Thánh Hoàng Bẩy, sau đó là khai hội. Việc cúng lễ để tưởng nhớ công ơn của “Thần vệ quốc Hoàng Bẩy” đã được duy trì từ lâu, cho đến nay mọi hoạt động nghi lễ tâm linh, tín ngưỡng tại đền vẫn được duy trì, bảo tồn nguyên vẹn vốn truyền thống.” – Đồng chí Quyền nói.
Đồng chí Nguyễn Anh Chuyên, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên, tỉnh Lào Cai |
Chia sẻ về di tích đền Bảo Hà, đồng chí Nguyễn Anh Chuyên, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên (Lào Cai) cho biết: Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Yên lần thứ 22, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra 20 chỉ tiêu chính, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp và 4 khâu đột phá trong đó có phát triển du lịch, phát triển đô thị, trọng tâm tập trung phát triển du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng.
Theo đó, tại thị trấn Bảo Hà trên cơ sở Khu di tích Lịch sử văn hóa quốc gia, đền Bảo Hà sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng, nâng cấp, kiến thiết các công trình tâm linh, dịch vụ, phụ trợ và hướng đến trở thành một trung tâm du lịch tâm linh của vùng với quy mô từ 100 – 300ha.
Xây dựng đền Bảo Hà thành điểm nhấn về du lịch tâm linh của địa phương, nằm trong trục du lịch tâm linh trọng điểm của huyện Bảo Yên cùng các di tích, danh thắng nổi tiếng như: Phố Ràng, đền Phúc Khánh (thành cổ Nghị Lang nơi có dấu tích chúa Bầu), đền Cô Tân An… Đồng thời, đây cũng là tiền đề quan trọng để địa phương phát triển mô hình du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng trong những năm tới khi tạo được trục kết nối giữa vùng văn hóa tâm linh Bảo Hà với vùng du lịch cộng đồng sinh thái ở xã vùng cao Nghĩa Đô – nơi đang lưu giữ hàng trăm nếp nhà sàn cổ cùng sự phong phú về văn hóa bản sắc, phong tục tập quán và vốn ẩm thực độc đáo của đồng bào người Tày bản địa…
“Việc quy hoạch đầu tư, phát triển mở rộng “Quần thể di tích Thần vệ quốc Hoàng Bảy” thời gian tới là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Yên nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra vừa qua…” – Bí thư Nguyễn Anh Chuyên nhấn mạnh.